top of page
  • Writer's pictureAdmin

‘Vâng Lời Sẽ Khiến Anh Em Khổ Sở’ – Lời Nói Dối Quen Thuộc Mà Sa-tan Thích Thỏ Thẻ Bên Tai Bạn



Có ít nhất hai cách làm hài lòng ma quỷ khi nói đến việc theo đuổi sự thánh khiết. Cách thứ nhất, dĩ nhiên là bỏ chạy khỏi sự thánh khiết – như người con trai hoang đàng, chạy khỏi nhà Cha mình để đến một thành phố xa lạ (Lu-ca 15:11-13). Cách thứ hai, có lẽ còn nguy hiểm hơn cách kia, đó là vẫn theo đuổi sự thánh khiết (hoặc theo đuổi điều mà chúng ta cho là thánh khiết) nhưng không vui vẻ gì khi làm điều đó.



Chúng ta có thể gọi cách thứ hai là niềm tin Cơ-đốc theo kiểu “người anh.” Giống như người anh trai trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giê-xu, những người như vậy thường  tuân theo các quy tắc của Cha mình với thái độ gượng ép (Lu-ca 15:29). Sự thánh khiết đối với họ là những đôi môi mím chặt và những cái nhìn nghiêm nghị. “Đây là cái giá của sự công bình,” họ tự nói với chính mình. “Chúng ta phải buông bỏ niềm vui thích của bản thân trên con đường dẫn đến thiên đàng, bạn biết đấy. Sự thánh khiết, chứ không phải sự hạnh phúc, là điều tốt đẹp thực sự.”


“Thật đạo đức!” một số người xuýt xoa. “Thật công bình làm sao! Đây mới đúng thật là sự từ bỏ chính mình!”


Và cũng…thật giả hình. “Những người anh,” vì sự thánh khiết bề ngoài của họ, vẫn còn bị kìm kẹp trong lời nói dối cổ xưa của con rắn. Họ bị lừa dối, cùng với tổ phụ của chúng ta, sống trong thế giới của ma quỷ: một thế giới khiến Cha chúng ta cau mày, nơi thiên đàng không có tiếng cười, nơi sự thánh khiết rốt cuộc lại là một sự hy sinh. Chừng nào chúng ta còn sống trong thế giới đó, chúng ta sẽ bỏ lỡ bữa tiệc mà Cha chúng ta đã chuẩn bị (Lu-ca 15:22-28).


Nếu chúng ta muốn gạt bỏ khuynh hướng của “người anh” ở trong mình, và theo đuổi sự thánh khiết bằng cách làm ma quỷ phải hổ thẹn, chúng ta hãy quay trở lại khu vườn và nghe lại lời nói dối đầu tiên.


Bài ca của những ngôi sao mai

Khi con rắn tiếp cận A-đam và Ê-va trong khu vườn, hắn biết chỉ có lời nói dối mới có thể đặt trái cấm vào tay của ông bà. Chỉ có lời nói dối mới có thể bằng cách nào đó thuyết phục được ông bà rằng ông bà chỉ là nô lệ của một Đức Chúa Trời keo kiệt. Chỉ có lời nói nói dối mới có thể dụ dỗ được họ vì sự thật không bao giờ đến từ Sa-tan.


Khi Chúa tạo ra các đại dương, và thắp sáng các vì sao như những ngọn nến, cũng như phủ đầy những ngọn núi với những kỳ hoa dị thảo, thì không có tiếng thở dài nào có thể được nghe thấy dù là trên trời hay dưới đất. Thay vào đó, mọi tạo vật đã cùng hòa chung để ca ngợi sự vinh hiển của Đấng Tạo Hóa mình. Từ trên các tầng trời, những ngôi sao mai cất lên bài hát của họ, các con trai Đức Chúa Trời ca hát cách vui mừng, và Sự Khôn Ngoan được bài tỏ trong công việc của tay Ngài (Gióp 38:7; Châm-ngôn 8:30-31).


Từ lời phán “phải có sự sáng, các tầng trời bày tỏ sự vinh hiển của Ngài (Thi-thiên 19:1). Và nếu chúng ta có thể nghe được bài hợp xướng đó thì nó nghe như thế nào? Như một cái thở ra chán chường? Một bài giảng đơn điệu? Hay như một câu chuyện kể hời hợt? Chẳng phải thế, nó giống như nốt cao nhất của một bái hát reo mừng: “Chúa khiến buổi hừng đông và buổi chạng vạng mừng rỡ” (Thi-thiên 65:8).


Khi A-đam và Ê-va lắng nghe âm thanh của sự sáng tạo, họ không thể không hòa mình vào bài ca đó. Khi chăm chú vào công việc của tay Chúa, họ tin cậy vào sự tốt lành của Cha. Họ ngưỡng vọng vẻ đẹp của Đấng Sáng Tạo. Họ tận hưởng mối thông công với Bạn mình. Họ vâng phục lời phán dặn của Vua họ. Họ không có niềm hạnh phước nào cao trọng  hơn niềm hạnh phước mà họ đang có.


Cuộc đời trong thế giới của con rắn

Không, ma quỷ biết A-đam và Ê-va sẽ không bao giờ ăn trái cấm miễn là họ còn tôn thờ Đức Chúa Trời vinh hiển trong thế giới tuyệt diệu của Ngài. Vậy hắn đã làm gì?


Hắn mời gọi cặp đôi tưởng tượng về một thế giới khác và một vị thần khác. Hắn che mắt ông bà khỏi ánh hoàng hôn và hoa tu-líp, bịt tai họ để không nghe được tiếng hót của những chú chim két cổ đỏ và làm cho da họ khô ráp bởi những cơn gió lạnh mùa xuân. Nói ngắn gọn, hắn thu nhỏ sự sáng tạo lại bằng kích cỡ của một quả táo, và khiến họ để mắt vào chữ “không” duy nhất của vườn Ê-đen.


Trong thế giới của con rắn, những ngôi sao mai hát một bản nhạc sầu bi, các đạo quân trên trời bầm bầm kêu ca, và tạo vật thì rên xiết dưới sự tể trị độc tài của Đấng Cai Trị toàn năng.


Trong thế giới đó, A-đam và Ê-va chỉ có hai sự lựa chọn. Họ có thể giống như người con trai hoang đàng, phản nghịch Đức Chúa Trời và chạy khỏi khu vườn của Cha họ. Hoặc họ có thể giống như người anh trai, hy sinh niềm vui của bản thân như một của lễ đặt trên bàn thờ của sự vâng lời. “Hoặc là nổi loạn để được vui vẻ – hay là vâng lời để phải khổ sở.” Đây là lời đề nghị của con rắn (Sáng-thế 3:4-5).


A-đam và Ê-va đã hái trái cây rồi bỏ chạy đến một đất nước xa xôi. Nhiều người ngày nay cũng làm giống  như vậy. Tuy nhiên, cũng có nhiều người từ chối trái cây đó – nhưng chung quy vẫn chỉ dựa trên các điều khoản của con rắn. Như những người anh trai, chúng ta hướng đến việc gìn giữ các luật lệ của Cha. Tuy nhiên, chúng ta làm như vậy không phải bởi vì những luật lệ ấy khiến chúng ta thỏa lòng, mà chỉ vì đó là điều đúng đắn; chẳng phải vì sự thánh khiết là một vinh dự vẻ vang, nhưng chỉ bởi vì chúng ta ta phải vâng phục; không phải vì mối tương giao với Chúa là điều khiến chúng ta vui mừng (như Jonathan Edwards đã từng nói), mà chỉ vì Ngài bảo phải làm như vậy.


Chúng ta là người em hay người anh đều không thành vấn đề với ma quỷ. Miễn là chúng ta còn sống trong thế giới của hắn – một thế giới mà chẳng ai cho không ai thứ gì và Đức Chúa Trời thì thật là nhỏ nhen – hắn vẫn vui dù chúng ta có nổi loạn hay “vâng lời.” Miễn là chúng ta không còn nghe và hát bài hát ngợi khen của sự sáng tạo thì con rắn sẽ được thỏa chí.


Hơn cả sự  ép xác

Nếu con người đầu tiên phạm tội khi tin vào lời nói dối của con rắn, thì sự ăn năn của chúng ta đòi hỏi phải sâu sắc hơn việc giữ luật hay tự ép xác. Rốt cuộc thì, những người giữ luật phi thường nhất của đời này vẫn là kẻ trọ trong thế giới của con rắn. Không, sự ăn năn của chúng ta đòi hỏi cao hơn nhiều: chúng ta phải thoát khỏi bùa mê của con rắn, và trở về với Đức Chúa Trời trong thế giới thật của Ngài.


Chúng ta phải nghiêng tai lên để nghe lại bài hát của thiên đàng, “Vinh hiển thay!” Chúng ta phải cảm nhận một lần nữa trời và đất, dù đã không còn như xưa, nhưng vẫn rộn ràng với niềm vui của Chúa (Thi thiên 104:31). Chúng ta phải đắm mình trong dòng suối ngọt ngào của sự sáng tạo, nhớ rằng Đức Chúa Trời chính là suối nguồn sự sống (Gia-cơ 1:17). Nói cách khác, chúng ta phải bước qua lời nói dối cổ xưa đó và tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta để được vui vẻ trong Ngài.


Ngay khi chúng ta “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao” (Thi-thiên 34:8), và chính Ngài là “sự rất vui mừng” của chúng ta (Thi-thiên 43:4),những điều liên quan đến việc theo đuổi sự thánh khiết của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ vẫn từ bỏ bản thân, thực hành sự vâng lời, và giết chết tội lỗi của chúng ta, điều đó chắc chắn rồi. Nhưng chúng ta sẽ không dám có suy nghĩ rằng mình đang trao đổi hạnh phúc của bản thân để có được sự thánh khiết.


Chúng ta sẽ cho đi hết tội lỗi mình bởi vì chúng ta đã tìm thấy kho báu rồi (Ma-thi-ơ 13:44). Chúng ta sẽ từ bỏ những ham muốn của xác thịt bởi vì, như Chúa Giê-xu đã hứa, “ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại” (Ma-thi-ơ 16:25).Và ngay cả khi chúng ta phải hy sinh thứ gì đó quý giá để đi theo Chúa, thì chúng ta tin chắc rằng chúng ta sẽ “lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn … và sự sống đời đời trong đời sau” (Mác 10:30).


Đức Thánh Linh không chỉ dạy chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời, mà còn vui thỏa trong Ngài – thật vậy, vâng lời Ngài bằng việc vui thỏa trong Ngài. Ngài dạy chúng ta không chỉ kháng cự những cám dỗ của ma quỷ, mà như Martin Luther đã nói, ấy là cười vào mặt kẻ thù của chúng ta cách khinh bỉ. Ngài không chỉ bảo chúng ta hãy lấy làm kinh ngạc về lòng thương xót của Đấng Christ, mà còn hãy thở phào nhẹ nhõm, ngạc nhiên vì sự vui mừng đã ở ngay đây, ngay lúc này. Sự kỷ luật không đánh bại ma quỷ – bèn là bởi niềm hạnh phúc.


Tham dự bữa tiệc của Cha

Tất nhiên, từ nơi chúng ta đang đứng, chúng ta có thể nhìn xa hơn các tạo vật để thấy niềm hạnh phước của Chúa và nuôi dưỡng niềm hạnh phúc của chúng ta trong Ngài. Bây giờ, chúng ta đã nhìn thấy những điều kỳ diệu mà  những ngôi sao mai không bao giờ có thể tưởng tượng được.


Chúng ta thấy một Đức Chúa Trời hạnh phước đến nỗi Ngài có thể chịu đựng một thế giới đau buồn mà không nhụt chí (Ê-sai 53:3). Một Đức Chúa Trời nhìn ra sự vui mừng đặt trước mặt Ngài cách tỏ tường đến nỗi Ngài có thể chịu lấy điều sỉ nhục trong thời kỳ đen tối nhất (Hê-bơ-rơ 12:2). Một Đức Chúa Trời chạy đến với những đứa con hoang đàng, quá vui mừng đến nỗi bỏ mặc cả trang nghiêm (Lu-ca 15:20). Và Đức Chúa Trời này cũng chìa tay ra để ban sự vui mừng của Ngài cho mỗi người anh cả, để họ có thể bước ra khỏi sự lạnh giá và cùng tham dự bữa tiệc (Lu-ca 15:31-32).


Hãy đến, hỡi những người anh cả, hãy ghé tai vào cửa. Anh có nghe thấy giọng cười của các thánh? Anh có nghe thấy các thiên sứ đang hát ngợi khen? Anh có nghe tiếng Cha đang hát về những đứa con của mình, những người tưởng mất mà nay đã trở về?


Bất kể điều gì chúng ta phải từ bỏ để bước qua cánh cửa này, thì ở phía trước luôn có nhiều điều tốt đẹp hơn những gì chúng ta bỏ lại phía sau. Vì vậy hãy cứ tiến về phía trước: Quay lại con rắn trong bóng tối và cười khinh bỉ vào cái đầu bị giày đạp bầm tím của hắn. Sau đó hãy mở cửa bước vào và tham dự bữa tiệc của Cha mình.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, bước trên đường đời này chúng con có nhiều lắm những cám dỗ, thói hư, tật xấu mà Lời của Ngài dạy chúng con phải từ bỏ. Xin Chúa Thánh Linh nâng đỡ và tiếp thêm sức mạnh để chúng con có thể đến được buổi tiệc của Chiên Con trong sự nên thánh. Amen


Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org





2 views0 comments

Comments


bottom of page