top of page
  • Writer's pictureAdmin

Tin lành đến Việt Nam và bạn được cứu!

GlobalMissionsVision.com - Thấm thoát hơn một thế kỷ (1911-2020), Tin Lành đã đến Việt nam qua nhiều giai đoạn lịch sử với những bách hại, khó khăn, vui mừng và cũng đầy nước mắt.



Những bàn chân rao truyền Tin Lành của những nhà truyền giáo tiên phong đã để lại những dấu ấn không thể nào quên trên đất nước Việt nam, đặc biệt là Mục sư Giáo sĩ A.B. Simpson, nhà sáng lập Hội Phước Âm Liên Hiệp, với lời tuyên bố: “Tôi mong muốn nói cho quý vị về Chúa Jêsus, và chỉ một mình Chúa Jêsus mà thôi”. 


Hạt giống Tin Lành được khai khẩn và gieo mầm ở Việt nam qua sự phục vụ hy sinh của những con người khiêm nhường có tên tuổi hay vô danh sẵn lòng trung thành với tiếng gọi của Đức Chúa Trời. 


Nương trên Lời Chúa Thi thiên 126, chúng ta tạ ơn Chúa càng hơn vì sự viếng thăm của Ngài trên quê hương và cũng nhớ ơn sâu sắc về những bậc tiền nhân đã không ngại gian nguy, thách thức đến Việt Nam để ‘gieo' Tin Lành của Đấng Chrsit.


Hãy kinh ngạc về việc lớn Chúa làm trong quá khứ


Thi thiên 126 là bài ca nhìn lại lúc dân Y-sơ-ra-ên trở về Giê-ru-sa-lem sau thời kỳ lưu đày. Tại Ba-by-lôn, họ đã chịu nhiều đau khổ, và bây giờ họ được trở về quê hương vì Đức Chúa Trời đã giải cứu họ. 


Đây là Thi thiên mà chúng ta cần suốt thời kỳ khủng hoảng, nhưng cũng là lời nhắc nhở cách Đức Chúa Trời đem chúng ta từ nước mắt đến tiếng vui cười. “Khi Đức Giê-hô-va dẫn các phu tù của Si-ôn về, thì chúng tôi khác nào kẻ nằm chiêm bao. Bấy giờ miệng chúng tôi đầy sự vui cười, lưỡi chúng tôi hát những bài mừng rỡ. Trong các dân ngoại người ta nói rằng: Đức Giê-hô-va đã làm cho họ những việc lớn. Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng tôi những việc lớn, nhân đó chúng tôi vui mừng.” (Thi thiên 126:1-3).


Vào năm 583 T.C, người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn, sau 70 năm dài sống trong hổ nhục, khó nhọc và đau buồn. Bất thình lình, họ được Chúa cho phép trở về quê hương, lập nghiệp, an cư nơi đất mới. Họ được ở trong thành thánh Si-ôn, nơi Đức Chúa Trời ngự giữa con dân Ngài và đối với họ, tất cả như là giấc mơ. Cảm xúc của nhiều tín hữu Việt nam hôm nay cũng tương tự như vậy, khi Chúa cho phép chúng ta ở trong Đền thánh để nhìn lại, ôn lại mà cùng dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời Ba Ngôi vì Tin Lành được rao giảng trên đất nước nầy. 


Chúng ta được giải cứu khỏi sự chết của tội lỗi bởi ân điển, và trở nên con cái của Đức Chúa Trời Hằng sống. Nếu không có Chúa Jêsus, thì chúng ta đã sống không hy vọng, không niềm vui, và chịu hình phạt đời đời trong địa ngục. Há chúng ta không có lý do để vui mừng sao? 


Thật vậy, Đức Chúa Trời cho phép những giáo sĩ tiên phong yêu kính Chúa, yêu người, đem hạt giống Phúc âm đến Việt nam, để ngày nay khi nhìn lại chúng ta ngạc nhiên nhìn thấy Chúa làm việc lớn.


Hãy tin cậy Chúa cứ làm việc lớn


“Hỡi Đức Giê-hô-va, xin dẫn phu tù chúng tôi về, như các suối miền nam chảy nước lại. Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình.” (Thi thiên 126:4-6). 


Những phu tù Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem, nhưng vẫn có nhiều việc để thực hiện. Họ cần xây dựng lại đền thờ và các bức tường thành Giê-ru-sa-lem. Họ đối diện với nản lòng từ sự chống đối bên trong lẫn bên ngoài. Động từ “dẫn về” (câu 1, 4) trong nguyên văn còn có nghĩa là “phục hồi.” Chúa phục hồi họ bằng cách nào? Đức Chúa Trời tuôn đổ phước hạnh và Ngài cứ làm việc lớn qua sự phục vụ hết lòng của con dân Ngài. 


Thật vậy, khi những đoàn người Do Thái trở về nầy suy gẫm quá khứ và suy nghĩ về sự giải cứu của Đức Chúa Trời, thì họ cất tiếng cầu nguyện không những xin Chúa khiến nước đổ về các dòng suối cạn ở Nê-ghép, mà còn giải cứu những người khác từ cảnh phu tù và đem họ trở về quê hương. Họ nặng lòng khi nhìn thấy những người khác, và muốn những phu tù khác tận hưởng sự giải cứu như họ đã trải nghiệm. 


Ngày nay, những ai được cứu khỏi tội lỗi cần mang gánh nặng những linh hồn hư mất trong tội lỗi. Chúng ta cần cầu nguyện và xin Chúa đụng đến tấm lòng người dân Việt Nam của chúng ta và đưa họ về với Chúa để được cứu rỗi. 


Sứ đồ Phao-lô từng viết, “Vì tôi ước ao có thể chính mình bị nguyền rủa và dứt bỏ khỏi Đấng Christ thay cho anh em là đồng hương của tôi” (Rô-ma 9:3-TTHĐ).  Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt nam chứng minh rõ việc lớn Chúa vẫn làm qua các chương trình truyền giảng, chứng đạo của Hội Thánh, chi hội, điểm nhóm và cá nhân tín hữu. 


Xin Chúa đặt để trong tấm lòng của mỗi chúng ta gánh nặng đối với đất nước Việt nam hư mất, để đem họ trở về cùng Chúa! Xin Chúa khiến chúng ta như John Knox, là người nặng lòng đất nước Tô-cách-lan đã từng cầu nguyện, “Chúa ôi! Xin ban cho con Tô-cách-lan, kẻo không con chết mất!” 


Quý vị có lắng nghe tiếng Chúa khi Ngài phán với tấm lòng quý vị hôm nay về nhu cầu của thế gian hư mất không? Quý vị có cam kết mang hạt giống quý báu của Phúc âm và đi ra gieo vào linh hồn cần nghe về Chúa Jêsus không? 


Hãy nói lời cam kết bằng sự cầu nguyện và hành động cụ thể thì chúng ta sẽ tiếp tục kinh nghiệm việc lớn Chúa vẫn làm cho Hội Thánh, cho gia đình và cho đất nước Việt nam thân yêu của chúng ta. A-men!

An-ne Phan

4 views
bottom of page