Học Hỏi từ Cuộc Đời của Đấng Christ
Không ai sống được như Chúa Giê-xu. Ngài trông bình thường đến nỗi “chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ” (Ê-sai 53:2) để được chú ý đến – cả cuộc đời của Ngài khi còn sống trên đất đã vượt qua mọi cuộc sống khác của con người, không chỉ những người cùng thời với Ngài mà còn tất cả những người trước đó và sau này. Vào thời khắc sinh tử cuối cùng, Chúa Giê-xu vẫn đứng một mình. Không có người nào để lại ấn tượng sâu sắc và lâu dài cho thế gian giống như Ngài và Ngài đã làm được như vậy chỉ trong 3 năm làm chức vụ công khai.
Ngài hóa nước thành rượu. Ngài phát bánh và cá để nuôi dân. Ngài khiến kẻ mù được sáng mắt. Ngài thậm chí còn khiến người chết sống lại. Ngài cũng dạy dỗ với một thẩm quyền đặc biệt, chưa ai từng có. Lời của Ngài có trọng lượng hơn bất kỳ tiếng nói nào của con người. “Mọi người đều kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài” (Mác 1:22). “Tất cả dân chúng đều say mê nghe Ngài giảng dạy” (Lu-ca 19:48). Ngay cả những kẻ chống đối Ngài cũng phải thừa nhận,“Chưa bao giờ có người nào đã nói như người này” (Giăng 7:46). Và cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn kinh ngạc về những điều Ngài phán.
Điều gì đã làm nên một đời sống và sự giảng dạy có sức ảnh hưởng vượt thời gian như vậy? Chúa Giê-xu sống cho điều gì? Điều gì đã khiến Ngài thức dậy sớm vào mỗi sáng để cầu nguyện và thúc giục Ngài rao giảng, thậm chí là ngay cả trong cảnh giam cầm? Mục tiêu – và đến cuối cùng, ý nghĩa – của đời sống Ngài là gì, mà cho đến giờ chúng ta mới nhận ra?
Cơ-đốc nhân chúng ta tin rằng Đấng Christ không chỉ là Đức Chúa Trời mà còn là con người thật sự – vậy, cùng là con người giống như Ngài, cuộc sống của Ngài chẳng phải có thể cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về những điều mà cũng khiến cuộc sống của chúng ta trở nên sống động hơn đó sao? Nhận biết thần tánh của Con một từ Ngài, những lời nói và hành động của Chúa Giê-xu có thể bày tỏ điều gì về sự kêu gọi cao nhất của chúng ta với tư cách là những tạo vật của Đức Chúa Trời và anh em của Đấng Christ? Có thể mục đích duy nhất của Ngài trong tất cả những việc Ngài đã làm là nhằm làm sáng tỏ một trong những câu hỏi quan trọng mà chúng ta hay hỏi, Tại sao Chúa dựng nên tôi?
Tại sao Chúa Giê-xu làm điều này?
Kinh Thánh nói rõ tại sao Đức Chúa Trời tạo dựng thế gian và mỗi người chúng ta: để bày tỏ sự vinh hiển của Ngài. Từ việc tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài (Sáng-thế 1:27), cho đến khi tội lỗi làm mất đi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23) và đổi vinh hiển của Ngài ra hình tượng của loài thọ tạo (Rô-ma 1:23), đến lời kêu gọi của các sứ đồ rằng chúng ta hễ làm việc gì hãy “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31), những mục sư và giáo sư Tin Lành thường nhấn mạnh về “sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” như một ngọn cờ lớn bao phủ đời sống của chúng ta, kết nối chúng ta, trong sự hạn hẹp của con người, với mục đích lớn lao của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo và quá trình lịch sử.
Tuy nhiên, rõ ràng là Kinh Thánh nói như vậy, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thực hành đầy đủ điều này? Liệu có dễ dàng để tập được thói quen và biến nó thành các chuẩn mực trong đời sống để có thể ngày qua ngày, thậm chí nhiều tuần – hoặc có thể là nhiều tháng? – cầu nguyện, “Cha ơi, xin làm vinh hiển chính Ngài qua con,” hay có ý thức gắn kết những hành động nhỏ nhất trong đời sống của chúng ta, như việc ăn uống và mọi sự chúng ta làm, với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Nhưng còn về cuộc sống của con người Giê-xu, Đấng cũng là Đức Chúa Trời thì sao? “Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” có thật sự ảnh hưởng đến Ngài trong mọi việc Ngài làm hay không, và nếu có, thì liệu một vài cái nhìn thoáng qua về sự vinh hiển ấy trong đời sống của Ngài có thể làm mới lại sự kêu gọi lớn lao này trong chúng ta chăng? Một khi chúng ta đặt ra câu hỏi này, chúng ta có thể thấy các sách Tin Lành có nhiều điều để nói hơn là chúng ta nghĩ.
Ảnh hưởng của đời sống Ngài
Chẳng phải chỉ có các thiên sứ xướng lên “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao” khi thông báo về sự giáng sinh của Chúa Giê-xu (Lu-ca 2:14), mà khi Ngài bắt đầu giảng dạy và thi hành chức vụ công khai, danh Đức Chúa Trời đã được tôn cao, hết lần này đến lần khác, chẳng phải người ta khen ngợi Chúa Giê-xu, mà là họ tôn vinh Đức Chúa Trời. Đúng y như lời đã được loan báo.
Chúa chữa lành một người đau bại, người ấy “đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy đều lấy làm lạ, ngợi khen Đức Chúa Trời” (Mác 2:12). Ma-thi-ơ cũng nói điều này, “Dân chúng chứng kiến sự việc đều sợ hãi, và tôn vinh Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho loài người thẩm quyền như vậy” (Ma-thi-ơ 9:8). Lu-ca thì nói rõ rằng cả người bại được chữa lành và đoàn dân đông đều ngợi khen Đức Chúa Trời. (Lu-ca 5:25-26)
Trên thực tế, để Đức Chúa Trời được tôn vinh là mục tiêu cốt lõi trong tất cả những lần Chúa Giê-xu làm phép lạ, điều này được Ma-thi-ơ tóm tắt lại như vầy: “họ rất kinh ngạc khi thấy người câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù thấy được; và họ ca ngợi Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 15:31). Và khi Chúa Giê-xu mang lại ánh sáng cho người ăn xin mù, Lu-ca nói cả người này và đám đông đều ngợi khen Đức Chúa Trời: “Tức thì, người sáng mắt, đi theo Đức Chúa Giê-xu, ngợi khen Đức Chúa Trời. Hết thảy dân chúng thấy vậy, đều ngợi khen Đức Chúa Trời” (Lu-ca 18:43). Và còn nhiều lần khác nữa (trong Lu-ca 7:16, 13:13, 17:15-16).
Tác giả các sách Tin Lành đã đơn giản hóa mục tiêu cũng như ảnh hưởng của chức vụ Chúa Giê-xu đó là: mọi vinh hiển và sự ngợi khen đều thuộc về Đức Chúa Trời.
Mục tiêu của đời sống Ngài
Vậy mục đích của Chúa Giê-xu là gì? Chính Chúa nói gì về mục tiêu của Ngài trong tất cả những việc Ngài làm?
Những lời Chúa phán trong sách Tin Lành Giăng đã khiến điều này trở nên đặc biệt đơn giản. Con người Giê-xu khi còn trên đất có nói “Ta từ Cha mà đến và nói thay cho Ngài” (Giăng 5:43). Ngài tiếp nhận lời ngợi khen trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá của Thi-thiên 118: “Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Giăng 12:13). Ngài tóm tắt về cuộc sống trên đất của Ngài, “ta tôn vinh Cha ta” (Giăng 8:49), và tất cả những việc Ngài làm đều là nhân danh Cha mà làm (Giăng 10:25).
Sau đó, khi dạy các môn đồ cầu nguyện, câu đầu tiên của Ngài bày tỏ sứ mệnh của đời sống Ngài: “Lạy Cha, nguyện Danh Cha được tôn thánh” (Lu-ca 11:2; Ma-thi-ơ 6:9).
Mục đích sự chết của Ngài
Vào những ngày cuối cùng trên đất của mình, trong những giây phút quý giá cuối cùng trước lúc chịu đóng đinh, mục đích sống của Ngài càng rõ ràng hơn khi Ngài sải bước về phía sự chết.
“Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì?… Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! Nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy! Cha ơi, xin làm sáng danh Cha! Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!” (Giăng 12:27-28)
Vào đêm trước khi chết, trong lời cầu nguyện của một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, điều đã thúc đẩy Ngài trong cuộc sống giờ đây trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, và bây giờ cũng chính điều đó dẫn Ngài lên thập tự giá. Ba lần Ngài gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người với một sự quả quyết rõ ràng sâu sắc:
“Con đã tôn vinh Cha trên đất” (Giăng 17:4)
“Con đã tỏ danh Cha ra” (Giăng 17:6)
“Con đã tỏ danh Cha ra cho họ” (Giăng 17:26)
Chúa Giê-xu đã dành cả cuộc đời của Ngài để tôn vinh Cha, qua việc bày tỏ Đức Chúa Trời cho các môn đồ. Ngài đã sống và rao giảng, để Cha được bày tỏ cách chân thật và được tiếp nhận cách xứng đáng.
Sau khi Chúa Giê-xu rời đi, các môn đồ của Ngài tiếp lấy sứ mệnh này: làm cho danh Chúa được biết đến trên cả đất. Đời sống của con người Giê-xu và cũng là Đức Chúa Trời trên đất đã cho con người biết về sự sáng của Đức Chúa Trời. Giờ đây qua đời sống của dân sự Ngài, danh Ngài sẽ được biết đến trên khắp đất.
Từ lúc khởi đầu cho đến cuối cùng, không hề có một hành động ngụy tạo hay lời lẽ biện hộ nào, Chúa Giê-xu tìm kiếm sự vinh hiển của Cha Ngài. Đây vừa là mục tiêu vừa là ý nghĩa trong đời sống và sự chết của Ngài. Sự kết ước này rõ ràng đến nỗi, ngay cả một người lính La Mã chứng kiến cuộc hành quyết của Ngài cũng nhận được sứ điệp: “Thầy đội thấy sự đã xảy ra, ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Thật người nầy là người công bình” (Lu-ca 23:47).
Sự kêu gọi dành cho chúng ta là dân sự Ngài
Chúa Giê-xu không chỉ làm hình mẫu cho sự kêu gọi cao nhất của chúng ta. Ngài còn kéo dân sự của Ngài cùng tham gia vào công tác này với Ngài. Ngài không chỉ tìm kiếm sự vinh hiển của Cha Ngài, mà còn kêu gọi các môn đồ Ngài làm giống như vậy:
“Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).
“Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy” (Giăng 15:8).
Trong Đấng Christ, chúng ta là Hội-thánh của Ngài sẽ làm trọn mục đích mà chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời bằng cách bày tỏ giá trị của Ngài cho thế gian. Đấng Christ đã sống hết mình vì vinh hiển của Cha Ngài, và giờ đây chúng ta cũng sống hết mình vì sự vinh hiển ấy – và phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều (Cô-lô-se 3:17).
Chúa Giê-xu, một con người tối thượng, và là “hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được” (Cô-lô-se 1:15), đã cho chúng ta thấy chúng ta được dựng nên để trở thành người như thế nào và phải làm những gì – để bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và làm cho danh Ngài được biết đến. Bây giờ, chúng ta đã nhận biết được sự kêu gọi lớn lao dành cho loài người là bày tỏ và phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời bởi việc càng ngày càng trở nên giống như hình ảnh của Chúa Giê-xu (Rô-ma 8:29). Sứ mệnh ban đầu của loài người được hiện thực hóa qua Phúc Âm và việc chúng ta ngày càng tăng trưởng để giống Chúa Giê-xu hơn. Chúng ta càng giống Đấng Christ, càng tỏ Ngài ra cho thế gian và tạo vật của Ngài, chúng ta càng hoàn thành mục đích lớn lao cho lý do chúng ta được tạo dựng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa cuộc sống nhiều thăng trầm và thử thách. Cầu xin Chúa cho chúng con có tấm lòng kính Chúa, yêu người để chúng con có thể sống mà rao truyền danh Chúa mỗi ngày và trở nên giống Ngài nhiều hơn. Amen.
Dịch: Hữu Đức
Nguồn: Desiringgod.org
Yorumlar