top of page
  • Writer's pictureAdmin

Ân Điển Thánh Hóa Cho Sự Bất Lực Của Con Người



Cách đây không lâu, tôi đã áp dụng một số cách để quản lý gia đình, và theo tôi chúng cực kỳ hiệu quả và tiết kiệm được thời gian.



Danh sách đồ cần mua của tôi được sắp xếp theo thứ tự các gian hàng trong siêu thị, nhờ vậy tôi không cần phải đi qua đi lại nhiều lần. Quần áo mang đi giặt được sắp xếp có lớp lang y như đồ trong tiệm giặt ủi. Các bữa ăn gia đình đều do chính tay tôi nấu với những thực phẩm mà tôi đã tự tay lựa chọn. Và tất cả những điều đó đều nằm trong danh sách những việc cần làm  của tôi từ việc đưa rước con cái đi học, đi chơi, học võ, học múa, cùng với cam kết rằng cả nhà phải cùng nhau đi nhóm nhà thờ vào Chúa Nhật.


Nhưng cuộc sống có tổ chức của tôi đã dừng lại một cách không mong muốn khi chúng tôi chuyển đến Ấn Độ sau mười năm sống ở vùng ngoại ô thành phố Portland.


Sự bất lực cố thủ

Tôi nhanh chóng nhận ra có quá nhiều điều diễn ra không theo kế hoạch. Những cuộc hẹn bị bỏ lỡ vì vấn đề giao thông không được thuận lợi. Thực đơn được lên cẩn thận thì sản phẩm cần mua lại bị hết hàng. Máy giặt của tôi tự nhiên ngưng hoạt động giữa chừng do tình trạng mất điện xảy ra mỗi ngày. Tôi không thể cứ nhảy lên xe là có thể chở lũ trẻ đến các lớp học thêm đúng như dự kiến vì phải chú ý đến điều hướng giao thông trên các đoạn đường nhằm tránh kẹt xe, giống như trò đua xe vượt chướng ngại vật mà tụi nhỏ hay chơi vậy.


Kế hoạch mà tôi dày công sắp đặt và dựa vào đó để quản lý cuộc sống của mình rồi cũng có lúc bị chệch hướng. Nhưng sự lộn xộn này đã cho tôi một bài học thực tiễn về một chân lý đơn giản trong cuộc sống đó là : tôi không nắm quyền kiểm soát.


Ngày nay, khi hàng triệu người trên thế giới bị phong tỏa và cách ly vì vi-rút corona, phần lớn nhiều người phải đối mặt với nguy cơ bị thất nghiệp và mất cơ hội việc làm cũng như hàng loạt các sự kiện phải bị hủy bỏ, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc phải thừa nhận sự bất lực cố thủ của mình.


Khả năng quá cao thì không phụ thuộc vào Chúa nữa

Thế giới phương tây thường chạy theo năng suất. Nhiều tiêu chuẩn mẫu mực được đặt ra để làm theo. Lịch trình của chúng ta được lắp đầy với những cuộc hẹn và thứ tự ưu tiên. Các cửa tiệm và nhà hàng đều mở cửa theo giờ giấc bình thường. Những cuộc họp sẽ không bị đứt quãng vì internet băng thông thấp nữa.

Đương nhiên chúng ta cảm thấy biết ơn – và vui mừng vì một hệ thống phát triển mạnh mẽ, nhưng khi chúng ta chịu bó tay vì đại dịch toàn cầu, thì đó là thời điểm thích hợp để tự hỏi mình, Tôi có thật sự có khả năng và hoạt động hiệu quả một cách bình thường mà không cần đến Chúa chăng? Phải chăng sự khao khát của chúng ta đối với Chúa đã bị thay thế bằng một sự thỏa mãn tạm thời được thúc đẩy bởi việc chúng ta có thể hoàn thành được bao nhiêu thứ trong khoảng thời gian ngắn nhất? Có phải ổ đĩa thiết lập khả năng để làm việc hiệu quả trong chúng ta đã bị sứt mẻ khi chúng ta không còn phụ thuộc vào Chúa nữa?


Khi các hệ thống và mọi quy trình hoạt động cách suôn sẻ, khi tài nguyên dồi dào, khi chúng ta có thể tận dụng từng phút từng giây trong ngày của mình để thực hiện các cuộc hẹn và vẫn có thể kiểm soát danh sách những việc cần làm khác, thì có một điều chắc chắn là chúng ta bắt đầu tin vào năng lực cá nhân của mình. Bạn và tôi có xu hướng muốn có được khả năng bất khả chiến bại, bất khả xâm phạm, và một sự thuyết phục rằng chúng ta là người cầm lái. Nhưng có những thời điểm trong cuộc đời của chúng ta – cũng giống như mùa cách ly kéo dài này – khi khả năng của chúng ta cũng không giúp gì được.


Nếu bạn đang ở trong thời điểm mà cuộc sống có vẻ như thật “lãng phí” do tình hình dịch bệnh ở thời điểm hiện tại, do nơi bạn sinh sống, một căn bệnh mãn tính, con cái quấy khóc, hoặc bố mẹ già cần sự chăm sóc của bạn hay bất kỳ lý do nào khác khiến bạn không thể “hoàn thành mọi việc” được, thì có lẽ đây chính là sân huấn luyện mà Chúa đã dành sẵn cho bạn.



Lý do Đức Chúa Trời làm giảm tính hiệu quả của con người

Mục-sư John Piper nêu ra quan điểm của Chúa về năng lực của con người như sau, “Hầu như Chúa không chọn  cho chúng ta con đường ngắn nhất dẫn từ A đến B. Lý do là khả năng đó – khả năng làm mọi việc có hiệu quả cách nhanh chóng và chuẩn xác – không phải là điều mà Ngài muốn cho chúng ta. Mục đích của Ngài là thánh hóa người lữ hành, chứ không phải là tăng tốc để người đó có thể nhanh chóng từ điểm A đến điểm B. Làm giảm tính hiệu quả của con người là một trong những phương tiện chính yếu của ân điển thánh hóa từ Đức Chúa Trời (tôi nhấn mạnh là chính yếu chứ không phải thứ yếu).”


Một ví dụ của việc Đức Chúa Trời “làm suy giảm tính hiệu quả của con người” là câu chuyện của Giô-sép. Mặc dù được ban cho những năng lực hơn người, ông đã bị giam cầm trong suốt những năm đầu đời. Giô-sép từ một người nổi bật và đang ở vị trí có sức ảnh hưởng lớn đã  trãi qua những biến cố với những thăng trầm và kinh nghiệm tăm tối nhất trong cuộc đời ông. Đúng là ông đã được giao cho nhiệm vụ quản lý các tù nhân khác, nhưng khả năng tiềm ẩn của ông vẫn ngủ yên, và tình trạng tù tội này đã kéo dài trong hơn một thập kỷ. Thậm chí sau khi quan tửu chánh được thả ra khỏi ngục (y như Giô-sép đã giải mộng), ông ta đã quên mất Giô-sép, khiến ông phải ở lại trong tù thêm 2 năm nữa. Có lẽ nào Chúa đã cho phép thời kỳ kém năng suất này xảy ra trong cuộc đời của Giô-sép để loại bỏ khỏi ông bất kỳ ý thức nào về tầm quan trọng của bản thân, để một ngày nào đó ông có thể nói với anh em của mình rằng, “vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao?” (Sáng-thế Ký 50:19)?


Một minh họa khác dưới góc nhìn của Kinh Thánh về những gì được gọi là “tận dụng thời gian tối đa” diễn ra trong phòng khách tại một ngôi nhà ở Bê-tha-ni, nơi Ma-thê và Ma-ri có những biểu hiện hoàn toàn trái ngược nhau. Nhiều người trong chúng ta đồng cảm với Ma-thê – một người phụ nữ muốn chu toàn mọi chuyện. Bà làm việc không biết mệt mõi để đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị cho bữa ăn tối. Ma-ri, mặt khác, ngồi dưới chân Chúa Giê-xu trong một tư thế khiêm nhường. Ngôn ngữ hình thể của bà như muốn nói lên rằng, “con cần Ngài, Chúa ôi, con cần Ngài” thay vì “chính tôi đã làm được điều này.” Chúa Giê-xu khen ngợi Ma-ri vì bà đã chọn điều tốt hơn hết (Lu-ca 10:42).


Chúa Giê-xu Christ chính là ví dụ điển hình nhất trong việc thay đổi khái niệm về cái gọi là “khả năng làm việc có hiệu quả.” Chúa Giê-xu có thể sẽ không bao giờ được gọi với danh hiệu là nhân viên gương mẫu của năm nếu như Ngài làm việc trong một thế giới mà thời gian được xem là tiền bạc như bây giờ. Mặc dù Ngài làm việc vì vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không làm nô lệ cho công việc. Ngài dành thời gian để quây quần bên con trẻ. Ngài dừng lại để bắt chuyện với một người đang ở trên cây mà ai cũng biết là  tội nhân. Ngài thậm chí đã dừng lại để dành toàn bộ sự chú ý của mình cho một người đàn bà nghèo khó khi sự sống của một cô gái trẻ dường như bị treo trên cán cân. Nhưng bởi các tiêu chuẩn điên cuồng của ngày nay, Chúa Giê-xu có thể không được đánh giá là một người làm việc siêng năng trong mắt một số người.


Làm việc siêng năng và rộng rãi với người khác

Tất nhiên, chúng ta không thể lấy việc phụ thuộc vào Chúa để làm cái cớ cho sự lười biếng. Kinh Thánh nói rõ ràng rằng hễ chúng ta làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa (Cô-lô-se 3:23). Một số câu châm ngôn cảnh báo chúng ta về tội lười biếng. Châm-ngôn 20:4 nhắc nhở chúng ta rằng, “Vì có mùa đông kẻ biếng nhác chẳng cày ruộng; Qua mùa gặt nó sẽ xin ăn, nhưng chẳng được gì hết.” Có trách nhiệm với thời gian của mình chính là chân lý trong Kinh Thánh. Tác giả thi thiên đã kêu lên rằng, “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan” (Thi-thiên 90:12).


Khi chúng ta coi mỗi khoảnh khắc là một món quà từ Chúa, chúng ta học cách nương dựa vào Ngài thay vì các hệ thống và quy trình của bản thân. Nhà tiên phong trong phong trào cải chánh Tin Lành Martin Luther đã từng nói, “Tôi có rất nhiều việc phải làm hôm nay và tôi sẽ dành ra 3 tiếng đồng hồ đầu tiên trong ngày để cầu nguyện.” Câu nói của ông có thể được xem là vô lý trong một thế giới nơi mà chúng ta thường nhầm lẫn sự bận rộn với việc phải tận dụng tối đa thời gian của mình. Nhưng trong nền kinh tế của Đức Chúa Trời, thời gian dành ra để được ngồi dưới chân Chúa Giê-xu là sự lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc bận bịu tối ngày để chứng minh tầm quan trọng và khả năng tự lực cánh sinh của bản thân.


Trong sự thiết kế tối thượng của Đức Chúa Trời, có một con đường đẹp đẽ cho chúng ta cơ hội để trở nên giống Chúa hơn. Nó dạy chúng ta tin tưởng vào một Đức Chúa Trời không bao giờ làm chúng ta thất vọng ngay cả khi kế hoạch của chúng ta thất bại và các hệ thống không vận hành được như mong muốn, hoặc khi một đại dịch có quy mô toàn cầu khiến cả thế giới phải đứng chựng lại.


Cách Đức Chúa Trời đánh giá bạn

Mục-sư John Piper khuyên chúng ta không chỉ lên kế hoạch, mà còn phải tin cậy Chúa qua mọi thử thách trong cuộc sống mà chúng ta không thể lường trước được.


Bằng mọi cách, hãy lập danh sách những việc cần làm trong ngày. Bằng mọi cách, hãy làm thật tốt những điều đó… cứ tiếp tục và đọc một cuốn sách có liên quan đến nó để học hỏi. Sau đó hãy bước đi trong sự bình an và tự do khỏi lo lắng, vì khi thực tế diễn ra không như mong đợi (có thể là nhiều ngày sau đó), thì Đức Chúa Trời cũng sẽ không đánh giá bạn qua việc bạn hoàn thành được nhiều hay ít. Bạn được Chúa đánh giá qua việc bạn có tin cậy vào sự tốt lành cũng như sự thông sáng và quyền tể trị của Chúa để làm việc với mớ hỗn độn này bằng khả năng yếu kém của mình vì sự vinh hiển của Ngài và lợi ích của mọi người, thậm chí là ngay cả khi bạn không biết phải làm như thế nào.


Khi chúng ta lê bước cách chán chường, trên những con đường dường như không mang lại lợi ích gì (theo tiêu chuẩn của thế gian), liệu chúng ta có nương dựa vào Đức Chúa Trời, Đấng khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ yêu mến Ngài hay không (Rô-ma 8:28)? Qua hành trình nơi hoang mạc, chúng ta khám phá ra rằng Ngài coi trọng tấm lòng hơn là lịch trình làm việc của chúng ta, bởi vì Ngài đang chuẩn bị chúng ta cho cõi đời đời trong sự hiện diện của Ngài. Khi chật vật bước đi trên lộ trình mà Ngài chọn cho chúng ta, chúng ta học cách bám lấy Ngài, và Ngài biến đổi chúng ta, theo nhịp độ hoàn hảo của Ngài, để trở nên giống như Con Ngài, Chúa Giê-xu Christ chúng ta.


Cầu nguyện: Lạy Cha kính yêu của chúng con, chúng con cảm tạ Chúa vì Ngài làm chủ cuộc sống của chúng con. Xin Chúa thêm cho chúng con lòng tin vững chắc vào Ngài để dù trong hoàn cảnh bất lực chúng con vẫn có được hy vọng rằng Ngài sẽ giúp chúng con để trở nên trọn vẹn trong Ngài. Amen


Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org







6 views0 comments

Comments


bottom of page