top of page
  • Writer's pictureAdmin

Sức Lực Của Anh Em Rồi Sẽ Hao Mòn



Tại sao Đức Chúa Trời Lại Để Chúng Ta Chịu Thử Thách Quá Sức Của Mình?


Phao-lô viết thư II Cô-rinh-tô ngay tại giai đoạn tận cùng của sự khổ nạn mà ông đang kinh nghiệm. Và đây là cách mà ông mô tả nó:


 “Thưa anh em, tôi không muốn anh em không biết những hoạn nạn mà chúng tôi đã trải qua tại xứ A-si. Chúng tôi bị đè nén quá mức, quá sức chịu đựng, đến nỗi không còn hy vọng sống. Chúng tôi cảm thấy như mình đã phải nhận án tử hình; nhưng điều nầy đã khiến chúng tôi không còn nhờ cậy vào chính mình nữa, mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng khiến kẻ chết sống lại. ” (II Cô-rinh-tô 1:8-9)



Phao-lô không nói rõ sự hoạn nạn nào. Ông không cần phải nói, bởi vì người đưa thư có thể đã kể tường tận lại cho các tín hữu tại thành Cô-rinh-tô rồi. Từ bối cảnh xung quanh (II Cô-rinh-tô 1:3-11), có vẻ như ông đang bị bức hại đến mức phải nhận án tử. Nhưng trong sự khôn ngoan đầy thương xót của Đức Thánh Linh, Ngài không cho chúng ta biết chắc chắn điều gì đã xảy ra. Đây là sự thương xót vì nó khích lệ chúng ta áp dụng những gì mà Phao-lô đã nói trong phân đoạn này cho “mọi sự khốn nạn” mà chúng ta sẽ gặp phải (II Cô-rinh-tô 1:4).


Nhưng điều quan trọng là chúng ta lưu ý đến mức độ chịu khổ của Phao-lô. Vị thánh nhân vĩ đại này, có vẻ như là người có khả năng chịu khổ hơn mức bình thường, cảm giác “bị đè nén quá chừng, quá sức mình [của ông]”. Ông nghĩ sự khổ nạn này sẽ giết chết ông.


Tuy nhiên nó đã không giết được ông (sự hoạn nạn tưởng chết của ông vẫn còn tiếp tục tám đến mười năm nữa). Nhưng nó đã đưa đến một việc khác:

“Thật thế, chúng tôi yên trí mình sắp chết đến nơi. Nhưng việc ấy xảy ra để chúng tôi không còn tin vào mình nhưng tin cậy Thượng Đế là Đấng khiến kẻ chết sống lại.” (II Cô-rinh-tô 1:9)


Sự khổ nạn của Phao-lô đã đưa ông đến tận cùng của chính mình: không chỉ là tận cùng của sức mạnh thể xác, mà còn là tận cùng của hy vọng và những kế hoạch trên đất của mình. Ông đã đối mặt với cái chết. Điều gì vào lúc cuối cùng ấy có thể khiến ông tin cậy là sẽ mang lại cho ông hy vọng? Chính Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại.


Chúa của mọi niềm an ủi

Biết được mức độ nghiêm trọng của sự khổ nạn mà Phao-lô phải chịu và những gì mà nó nảy sinh ra bên trong con người ông có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về niềm an ủi mà ông làm chứng trong lời mở đầu của phân đoạn này:

“Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, là Cha nhân từ và Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi. Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp! ” (II Cô-rinh-tô 1:3-4)


Mặc dù chúng ta biết rằng Phao-lô đã được cứu khỏi hoàn cảnh “hiểm nguy kề cái chết” (II Cô-rinh-tô 1:10), thì việc được giải cứu khỏi sự chết không phải là niềm an ủi chính yếu mà ông nhận được từ Đức Chúa Trời. Đó cũng không phải niềm an ủi chính yếu mà ông muốn dành cho người khác trong sự hoạn nạn của họ. Niềm an ủi quan trọng nhất là vào thời khắc sau cùng, khi sự chết cuối cùng rồi cũng đến, và không còn hy vọng nào để kéo dài sự sống trên đất nữa, thì niềm hy vọng lớn lao, bất chấp sự chết của Cơ-đốc nhân chính là: Đức Chúa Trời, Đấng khiến kẻ chết sống lại.


Chúng ta đều biết rằng Phao-lô đang nói đến hy vọng phục sinh bởi vì ông tiếp tục nói như vầy, “Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa chan cũng thể ấy.” (II Cô-rinh-tô 1:5). Đấng Christ chịu chết “vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình” (Hê-bơ-rơ 12:2), niềm an ủi và sự vui mừng ở đây chính là Ngài sẽ sống lại từ cõi chết, và qua Ngài tất cả những ai tin cũng sẽ được sống lại (Giăng 5:24). Và Ngài đã từ kẻ chết sống lại (I Cô-rinh-tô 15:20), vì thế tất cả những người tin Ngài cũng sẽ như vậy, mặc dù họ đã chết rồi (Giăng 11:25)


Niềm an ủi trong mọi hoạn nạn

Những hoạn nạn nào của chúng ta là đủ điều kiện để đồng công trong sự thương khó của Đấng Christ? Nếu hoạn nạn mà Phao-lô trải qua ở xứ A-si là bị bức hại thật sự, thì điều này dễ dàng tạo ra mối liên kết. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu hoạn nạn của chúng ta không phải thuộc loại đó?


Tôi tin câu trả lời nằm trong quan điểm của Phao-lô khi ông nói rằng “…Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi… an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể… an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp” (II Cô-rinh-tô 1:3-4). Từ “Mọi” và “bất cứ” được sử dụng ở đây giúp chúng ta dễ hiểu hơn.

Chỉ trong bức thư đặc biệt này, chúng ta mới biết rằng Phao-lô có nhiều nỗi khổ khác trong tâm trí hơn là sự bắt bớ. Đây là danh sách những hiểm nguy và thiếu thốn mà ông phải chịu đựng (II Cô-rinh-tô 11:25-28), và có “một cái giằm xóc vào thịt” ông (II Cô-rinh-tô 12:7), điều mà tôi cho rằng đó là một căn bệnh hoặc khiếm khuyết về thể chất.


Nhưng phạm trù về sự khổ nạn trong Kinh Thánh còn rộng hơn như thế rất nhiều. Ví dụ có thể bao gồm sự hoạn nạn cùng khổ đau của bệnh tật và sự chết (như La-xa-rơ trong Giăng 11 và Ép-ba-phô-đích trong Phi-líp 2:25-27), nỗi sầu khổ của cảm giác bị ruồng bỏ về mặt tinh thần (Thi-thiên 22), sự bối rối từ cảm giác vỡ mộng khi tình hình hiện tại trông có vẻ như Chúa không giữ lời hứa của Ngài (Thi-thiên 89), sự mất phương hướng khi trải qua những nghi ngờ nghiêm trọng (Thi-thiên 73), hoặc nỗi đau của sự trầm cảm kéo dài và hoàn cảnh đen tối (Thi-thiên 88).


Tất cả những trải nghiệm này (và còn nhiều hơn thế nữa) chính là các kiểu hoạn nạn – nhiều điều trong số đó chính Chúa Giê-xu đã trải qua, và Ngài quan tâm rất nhiều đến tất cả những điều đó. Điều khiến “mọi hoạn nạn” của chúng ta dự phần vào sự thương khó của Đấng Christ là khi chúng xảy đến với chúng ta, thì chúng ta lại hướng đức tin vào nơi “Ngài, [Đấng mà] chúng ta đã đặt hy vọng” vào sự giải cứu mà Ngài sẽ ban cho chúng ta (II Cô-rinh-tô 1:10)


Nơi Ngài chúng ta đặt hy vọng

Đó thật sự là một trong những kết quả quan trọng nhất mà Chúa muốn “mọi hoạn nạn” của chúng ta mang lại: “khiến chúng ta không còn nhờ cậy vào chính mình nữa, mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng khiến kẻ chết sống lại” (II Cô-rinh-tô 1:9). Đó không phải là kết quả duy nhất. Như John Piper nói, “Đức Chúa Trời làm 10,000 điều trong đời sống của bạn, và bạn có thể chỉ nhận ra ba trong số những điều đó.” Nhưng khi nói đến niềm vui lớn và sự yên ủi cuối cùng của chúng ta, thì hiếm có điều gì quan trọng hơn việc thôi tin cậy vào bản thân và đặt niềm tin vào Chúa.


Trên thực tế, đó là lý do tại sao đôi lúc những hoạn nạn của chúng ta xảy ra khi chúng ta nhận được câu trả lời không mong đợi từ Chúa cho những lời cầu nguyện của mình, và do đó chúng ta không nhận thức được nó ngay từ đầu. Khi chúng ta cầu xin Chúa gia thêm niềm khao khát của chúng ta đối với Ngài và đức tin của chúng ta vào Ngài cũng như  tình yêu dành cho Ngài và niềm vui thỏa trong Ngài, chúng ta tưởng tượng câu trả lời mà mình sắp được kinh nghiệm sẽ tuyệt vời biết bao. Nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng lường trước được quá trình biến đổi những khát khao, niềm tin cũng như tình cảm và niềm vui của chúng ta sẽ đòi hỏi những gì.


Đôi khi, nó đòi hỏi những hoạn nạn để cho thấy cái cách mà chúng ta nương cậy vào bản thân hoặc thần tượng hay đặt hy vọng sai chỗ thay vì Đức Chúa Trời. Nói chung, Đức Chúa Trời không muốn gây khổ đau cho con cái Ngài (Ca-thương 3:33), nhưng khi cần thiết, với tư cách là một người Cha yêu thương, Ngài sẽ kỷ luật chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:7-10). Nhưng trong tất cả sự sửa phạt đó, chương trình của Chúa luôn là vì lợi ích của chúng ta, mặc dù ở thời điểm hiện tại chúng dường như chỉ làm cho đau đớn, vì đến cuối cùng chúng sẽ sanh ra hy vọng và sự vui mừng lớn lao (Hê-bơ-rơ 12:11)


Đây là lý do tại sao Phao-lô, trong sự khổ nạn của mình đã “bị đè nén quá mức, quá sức chịu đựng, đến nỗi không còn hy vọng sống,” đến cuối cùng lại hoan hỉ trong Cha thiên thượng của mình là “Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi.” Nhờ kết quả của sự chịu khổ, ông kinh nghiệm một sự nương cậy hoàn toàn vào Chúa là Đấng khiến kẻ chết sống lại, điều này mang lại cho ông niềm an ủi mà không có điều gì khác trên thế gian này có thể làm được.


Bất kỳ điều gì có thể giúp chúng ta kinh nghiệm niềm an ủi này, giúp chúng ta đặt hy vọng cuối cùng, thật sự của mình vào Chúa, thì đều đáng giá. Thật sự là như vậy. Tôi không nói điều này cách hời hợt. Tôi đã kinh nghiệm một số quá trình đau đớn của sự biến đổi. Tôi đã nhận được một số câu trả lời không mong đợi từ Chúa cho những lời cầu nguyện của mình. Nhưng niềm an ủi của Chúa khỏa lấp mọi sự thoải mái tạm bợ với hy vọng mạnh mẽ. Và khi mọi hy vọng trên đất sụp đổ, thì chính sự an ủi của Chúa vẫn sẽ còn tồn tại.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì con đang tôn thờ Đấng sống và đầy yêu thương, tình yêu thương đỉnh điểm của Ngài được bày tỏ trên cây thập tự vì tội chúng con để trả thay án phạt đời đời của chúng con. Và Ngài cũng sống lại để ban cho chúng con sự sống đời đời giống như Ngài. Xin an ủi, khích lệ và nâng đỡ chúng con để trong mọi hoàn cảnh chúng con biết chắc Chúa  Giê-xu là niềm hy vọng của mình không chỉ trên đất mà còn cả trong cõi đời đời nữa. Amen.


Dịch: Hữu Đức

Nguồn: Desiringgod.org







17 views0 comments

Comentarios


bottom of page