Kinh thánh: Ma-thi-ơ 11:1-6
1 Vả, Đức Chúa Jêsus đã dạy các điều đó cho mười hai môn đồ rồi, bèn lìa khỏi chỗ nầy đặng đi giảng dạy trong các thành xứ đó. 2 Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng: 3 Thầy có phải là Đấng phải đến,hay là chúng tôi còn phải đợi đấng khác chăng? 4 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy về, thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: 5 Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành. 6 Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!
Lời ngỏ:
Ngày nay, khi sống trong xã hội tràn ngập những tệ nạn, những kẻ gian ác lộng hành, bạo lực dấy lên…, nhiều người không khỏi thắc mắc Chúa công bình đang ở đâu mà lại để những điều bất công này xảy ra. Hoặc đôi khi chúng ta thấy có nhiều người hết lòng theo Chúa, sốt sắng phục vụ Chúa mà cứ bị thất bại, bị trắc trở nhiều trong cuộc sống. Hoặc ngay cả chính chúng ta, trên bước đường theo Chúa đã có đôi lúc đức tin của chúng ta nao núng, dao động, chẳng hạn đột ngột có một người thân yêu qua đời, hay khi nghe bác sĩ báo mình đang mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo… Những nghịch cảnh ập đến khiến chúng ta không hiểu vì sao mình lại phải chịu nhiều thử thách như thế, bị nhiều thế lực thù nghịch tấn công như thế, đồng thời lúc đó sẽ có những tiếng thì thào trong lỗ tai chúng ta “Đức Chúa Trời không quan tâm, Ngài không yêu thương ngươi đâu, hay là Chúa đang hình phạt ngươi vì những tội lỗi giấu kín của ngươi…” Những lúc đó chúng ta tranh đấu và tự hỏi: “Chúa đang ở đâu và Ngài có thấy sự khổ sở mà chúng ta đang phải chịu không?” Thậm chí có những lúc chúng ta oán trách Chúa hay nghi ngờ về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, và tâm trí chúng ta tranh đấu với suy nghĩ không biết mình theo Chúa có phải là một quyết định sai lầm hay không? Đức Chúa Trời mà mình tin cậy có thật hay không?
Những thắc mắc và nghi ngờ như trên cũng từng là những thắc mắc của nhiều bậc tiền bối, của những anh hùng đức tin trong Kinh Thánh đã ghi lại như Gióp, Môi-se, Đa-vít… và vị tiên tri cuối cùng của thời Tân Ước là Giăng Báp-tít như đoạn Kinh Thánh mà chúng ta vừa đọc.
Giăng (còn gọi là Giăng Báp-tít) được Đức Chúa Trời chọn như là vị tiền khu dọn đường cho chức vụ của Đấng Mê-si. Ông là người rao giảng về “Nước Đức Chúa Trời” và kêu gọi mọi người ăn năn, chuẩn bị tấm lòng để tiếp đón Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si sẽ đến. Chính ông đã làm phép báp-têm cho Chúa Giê-xu và giới thiệu các môn đồ của ông cho Ngài. Giăng cũng là một tiên tri công bình chính trực, ông không thể giảm nhẹ chân lý cho vừa ý người khác, cũng không thể thấy điều ác mà không quở trách. Ông đã mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra tội trọng của vua Hê-rốt khi vua này đã làm chuyện bất chính, cướp vợ của em trai về làm vợ mình. Bởi Giăng đã công khai quở trách tội lỗi của vua Hê-rốt nên vua này tức giận bắt vị tiên tri công chinh này bỏ tù. Mặc dù trước đó Giăng Báp-tít biết chắc chắn về việc Chúa kêu gọi ông trong việc dọn đường cho Chúa Giê-xu và chuẩn bị lòng dân chúng cho sự đến của Đấng Mê-si, nhưng ông đã thắc mắc là tại sao Ngài lại yên lặng để kẻ ác hoành hành, còn ông là người lên tiếng cho sự công bình mà lại bị bách hại. Trong lúc ngồi tù, ông vô cùng thất vọng và bắt đầu có sự nghi ngờ về chức vụ của Chúa Giê-xu. Vì thế nên Giăng Báp-tít sai môn đồ đến hỏi Chúa Giê-xu rằng “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi đấng khác chăng?” (11:3). Giăng đang thắc mắc về lai lịch thực sự của Chúa Giê-xu. Ông chỉ tiếp xúc với Ngài qua lần Chúa Giê-xu chịu báp-têm, rồi sau đó ông bị bắt vào nhà ngục từ khi Chúa Giê-xu chính thức thi hành chức vụ. Ông chưa được nghe Chúa giảng cũng cũng như không chứng kiến bất kỳ một phép lạ nào khác. Câu hỏi của Giăng Báp-tít cho thấy dường như ông ủng hộ với cách Chúa Giê-xu thi hành chức vụ. Ông không thấy ở Ngài có sự phán xét nghiêm khắc như điều ông đã từng rao giảng và thực tế thì Ngài không giống như hình ảnh oai phong mà ông đã tưởng tượng và mong đợi. Vì dường như Chúa Giê-xu chỉ quan tâm đến những thành phần thấp kém và khốn cùng trong xã hội. Trong lòng ông có nhiều ưu tư, thắc mắc: nếu quả thật Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si, thế tại sao ông lại phải ngồi tù, trong khi đáng lẽ ra ông đang cần ở ngoài để rao giảng và chuẩn bị tấm lòng của dân chúng tiếp nhận Ngài?
Đáp lại sự nghi ngờ của Giăng, Chúa Giê-xu đã nói với các môn đồ của Giăng rằng: “Hãy về, thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy” (câu 4) Chúa Giê-xu đã gián tiếp trả lời thắc mắc của ông bằng cách đề cập đến những lời giảng của Ngài trong Bài Giảng Trên Núi từ đoạn 5 đến đoạn 7 và những điều Ngài đã làm qua nhưng phép lạ được mô tả trong đoạn 8 và 9 “Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành” (câu 5). Chúng ta có thể thấy, trước sự hồ nghi của Giăng, Chúa Giê-xu đã không gởi cho ông những giấy tờ thị thực để chứng minh địa vị của Ngài nhưng Chúa đã xác thực cho tiên tri của Ngài thấy những kết quả từ chức vụ của Ngài. Sứ điệp về Nước Đức Chúa Trời không phải là để làm cuộc cách mạng chính trị hay bằng bạo lực để danh được chính quyền trên đất mà sự thiết lập Vương Quốc trên trời bằng Lời giảng đầy năng quyền và những phép lạ cặp theo xuất phát từ tình yêu thương, đó mới chính là giá trị đích thực của sứ mạng mà Đấng Mê-si cần thực thi. Thực tế đã chứng minh những việc lạ lùng Ngài đã làm là những bằng chứng cho thấy Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si như lời hứa. Vì vậy ông cần vững vàng, không nao núng hay rúng động mà cần phải tin quyết nơi Chúa Giê-xu và sứ mạng của Ngài, để tiếp tục có niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời dù phải chịu khổ trong ngục tù.
Cuối cùng trong câu 6 là lời nhắc nhỡ cũng như sự cảnh tỉnh đối với ai hay có sự nghi ngờ về Chúa rằng: “Phước cho những kẻ không vấp phạm vì cớ ta”. Tại đây Chúa muốn nhắn nhủ với Giăng rằng đừng thất vọng và nghi ngờ nữa, vì đó là cái bẫy ma quỷ đang giăng ra khiến cho ông có thể bị ngã. Sau này, một trong các môn đồ của Chúa là Thô-ma cũng đã từng đòi tận mắt chứng kiến và rờ chạm được Chúa Giê-xu phục sinh khi ông nói “Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin” (Giăng 20:25). Và Chúa đã hiện ra trước mặt ông, với lời phán: “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20: 29). Con người xác thịt thường đòi hỏi phải tận mắt thấy Chúa thì mới tin hoặc có thể tin rồi nhưng nếu Chúa không làm theo điều mình mong muốn thì chúng ta cũng sẽ nghi ngờ. Xin Chúa cho chúng ta không bị vấp phạm bởi những quan niệm sai lầm và giới hạn Chúa của chúng ta nhưng có lòng tin trọn vẹn nơi Ngài.
Bài học áp dụng:
Câu hỏi của Giăng Báp-tít từ trong nhà tù ắt hẳn cũng là những suy tư của chúng ta khi không hiểu được chương trình của Đức chúa Trời, và lắm khi chúng ta nghi ngờ Chúa, Đấng mà chúng ta đã tin nhận, đã rao giảng về Ngài. Đó là những khúc mắc về niềm tin cần được Chúa giải đáp. Chúng ta cần học nơi tiên tri Giăng Báp-tít khi không rõ về Chúa và chương trình của Ngài thì phải trực tiếp hỏi Chúa, đừng vì những nghịch cảnh đang đối diện mà nao núng, sa sút trong đức tin. Khi hỏi Chúa thì không phải lúc nào Chúa cũng trả lời cách trực tiếp cho chúng ta. Chúng ta thấy cách Chúa Giê-xu trả lời cho Giăng cũng là cách Chúa trả lời cho chúng ta trong những thắc mắc nghi ngờ mà chúng ta thường có trong cuộc sống. Kinh Thánh chính là câu trả lời của Ngài. Vì thế càng có nhiều nghi vấn về Chúa thì chúng ta càng phải tìm kiếm và học hỏi Lời của Ngài nhiều hơn. Cũng có lúc chúng ta cần yên lặng nhìn lại việc Chúa đã làm trên đời sống chúng ta cũng như bao nhiêu người khác khi nhìn thấy nhiều cuộc đời đã được biến đổi, đã tìm thấy niềm vui và sức sống mới trong Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, trên bước đường theo Chúa, có những lúc con đã từng ngã lòng, thoái chí, nao núng trong đức tin như vị tiên tri Giăng Báp-tít đã trải qua. Qua sự trả lời của Chúa là Lời Ngài cảnh tỉnh con hôm nay, qua đó cho con suy nghĩ sâu sắc hơn về chỗ nương dựa thật sự của cuộc đời.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con bởi những suy nghĩ nông cạn của con, và xin giúp con mỗi ngày lớn lên trong sự biết về Ngài để không ngã lòng hay nao núng trong đức tin khi đối diện với thử thách. Con thật cảm tạ ơn Chúa. Trong Danh Chúa Giê-xu. Amen.
Nguồn: Radiomanavn.blogspot.com
Comments