top of page
  • Writer's pictureAdmin

Nhận Diện Chính Mình – Bài 13 và hết: Về Nhà



Một trong những đặc điểm tuyệt vời và hấp dẫn nhất của sự sáng tạo là Đức Chúa Trời đã tạo ra các loài động vật với một khả năng định hướng đáng kinh ngạc được gọi là “bản năng tìm đường về nhà.” Bất chấp mọi khó khăn, những con cá hồi bơi từ biển về những dòng sông nơi chúng sinh ra để sinh sản. Từ năm này qua năm khác, sau khi bay hàng ngàn dặm, những con én nhỏ trở lại tổ của chúng và mỗi năm hàng ngàn con thiên nga và ngỗng tuyết của vùng lãnh nguyên sẽ thực hiện một hành trình dài 4,000-5,000 dặm để trở về nhà của chúng. Ngoài ra còn có những tư liệu về trường hợp của chó mèo đã đi hàng trăm thậm chí hàng ngàn dặm trong nhiều tuần nhiều tháng liền cho đến khi chúng tìm thấy đường về nhà. Phải chăng Chúa cũng tạo ra con người với “bản năng tìm đường về nhà” tương tự?



Truyền-đạo 3:11 – “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người…” 


Điều này có thể được diễn giải như sau, Đức Chúa Trời đã đặt một khát khao về thiên đàng trong tấm lòng của mỗi chúng ta. Từ sâu thẳm trong lòng, chúng ta biết có một cái gì đó còn tốt hơn nhiều so với cuộc sống này. Vì lý do đó, chúng ta không bao giờ có được cảm giác thỏa mãn, cho dù chúng ta đạt được bao nhiêu thành tựu trên đất hay chúng ta tích lũy được bao nhiêu của cải, chúng ta luôn tìm kiếm… một thứ gì đó để lấp đầy khoảng trống không tên này.


C.S Lewis đã nói về nó một cách khéo léo như vầy, “Nếu chúng ta nhận thấy mình có một khao khát mà không gì trên thế gian này có thể thỏa mãn được, thì lời giải thích dễ chấp nhận nhất là chúng ta được tạo ra cho một thế giới khác.” 

Có một khoảng trống bên trong mỗi chúng ta mà chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy, và trái tim của chúng ta sẽ không nghỉ yên được cho đến khi tìm thấy phần còn lại của mình. Nó được gọi là “bản năng tìm đường về nhà.” Tuy nhiên, chúng ta không cần phải chết thì mới có thể trở về “Nhà”, chúng ta có thể tận hưởng sự thoải mái, bình yên, niềm vui và sự an toàn như ở Nhà khi chúng ta đang sống trên đất này. 


Nói cách khác, chúng ta không cần phải sống với một trái tim mồ côi, chúng ta có thể tận hưởng sự ấm áp của gia đình ngay trên đất này.


Hiểu được công việc của Thập Tự Giá

Khải-huyền 5:9 – “Họ hát một bài ca mới rằng: “Ngài xứng đáng lấy quyển sách và mở các ấn ra, vì Ngài đã bị giết, lấy huyết mình chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, mọi nước…” 

1 Phi-e-rơ 1:18-19 – “Chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít…”


Chúng ta được chuộc và được cứu bởi dòng huyết quý giá của Con Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu Christ. Nếu Đức Chúa Trời chỉ quan tâm đến sự cứu rỗi và sự sống đời đời của chúng ta trên thiên đàng, thì Chúa Giê-xu không cần phải trải qua sự đau khổ và sỉ nhục đến tột cùng trên thập tự giá, với những chiếc đinh đâm xuyên qua tay và chân, Ngài bị bắt phải đeo mão gai trên đầu, bị chế giễu, đánh đòn, và bị lột trần,… Tất cả những gì Ngài cần là sống một cuộc đời không tội lỗi, chịu chết và đổ huyết, và rồi chúng ta được cứu. Kinh Thánh nói rất rõ ràng, chúng ta được xưng công bình chỉ bởi huyết của Ngài. Thế thì tại sao Chúa Giê-xu nhất thiết phải trải qua tất cả những khổ nạn đó trên thập tự giá?


Để chữa lành những tấm lòng tan vỡ

Ê-sai 53:3-5 – “Người đã bị người ta khinh rẻ và chối bỏ, từng trải sự đau khổ, biết sự đau ốm… Thật, Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh nỗi đau khổ của chúng ta…Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết,vì gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh.


Chúa Giê-xu được miêu tả là người chịu đau khổ và biết sự đau ốm trong suốt thời gian Ngài sống trên đất. Ngài bị người ta khinh rẻ và chối bỏ, thậm chí còn bị phản bội bởi chính môn đồ của mình. Căn bệnh chết người và phổ biến nhất trong xã hội ngày nay là gì? Sự tan vỡ – căn bệnh của linh hồn và tâm trí. Chúa Giê-xu đã đến để trải nghiệm sự tan vỡ của nhân loại để Ngài có thể khôi phục chúng ta trở lại một cách toàn vẹn cả về tâm trí lẫn linh hồn thông qua sự cứu rỗi của mình.


Lu-ca 4:18 – “…Ngài đã sai Ta đi để chữa lành những tấm lòng tan vỡ…” Câu này được chép trong bản Kinh Thánh NKJV.


Nhiều người trong chúng ta lớn lên trong những gia đình không êm ấm và bị thiếu thốn tình cảm trong những năm tháng trưởng thành, luôn có cảm giác bị từ chối, bị bỏ rơi và cô độc. Để tồn tại, tất cả chúng ta đều học cách “sống ảo”, bề ngoài trông hoàn toàn bình thường và vẫn ổn; nhưng trong thâm tâm, những giọt nước mắt buồn thảm và đau khổ của chúng ta vẫn không ngừng rơi, chúng ta như muốn kêu lớn lên để được yêu thương và thấu hiểu. Do đó, nhiều người ngày nay đang tuyệt vọng và ngã lòng; dễ mắc chứng trầm cảm, ám ảnh xã hội, và các căn bệnh về tâm lý khác.


Chúa Giê-xu đã đến để hàn gắn và chữa lành những gì bị đổ vỡ để chúng ta có thể kinh nghiệm niềm vui và cuộc sống dư dật một lần nữa trong Ngài. Nếu chúng ta chịu để cho Ngài làm điều đó! Thật đáng buồn, nhiều người đã không học được cách buông bỏ những mảnh vỡ của họ cho Ngài để nhận được một đời sống mới từ Ngài. Nhận diện chính mình “trong Đấng Christ” là thuốc giải độc duy nhất của chúng ta!


Để chữa lành bệnh tật trên thân thể chúng ta

1 Phi-e-rơ  2:24 – “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.


Vâng, Chúa Giê-xu không chỉ đến để cứu vớt tâm linh và phục hồi lại linh hồn của chúng ta, Ngài chịu đau đớn về thể xác, để chúng ta có thể nhận được sự chữa lành về thể xác qua Ngài. Chúng ta cần phải nắm lấy lẽ thật này bằng đức tin cho chính mình và cho người khác. Kinh nghiệm sự chữa lành về thuộc thể và phép lạ được bao gồm trong sự cứu rỗi của chúng ta.


Để bẻ gãy sự rủa sả trên đời sống chúng ta

Công-vụ 5:30 – “Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã khiến Đức Chúa Giê-xu sống lại, là Đấng mà các ông đã treo trên cây gỗ và giết đi.


Chúng ta đều biết Chúa Giê-xu đã chết trên Thập Tự Giá – vậy tại sao Kinh Thánh có chỗ lại dùng từ “cây gỗ”?


Phục-truyền 21:22-23 – “Nếu có một người phạm tội tử hình và bị xử tử, thì hãy treo lên cây, nhưng không được để xác nó trên cây qua đêm mà phải chôn ngay trong ngày đó, vì ai bị treo trên cây là kẻ bị Đức Chúa Trời nguyền rủa. Anh em không được làm ô uế mảnh đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em ban cho anh em làm sản nghiệp.” 


Ga-la-ti 3:13 – “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta — vì có lời chép: “Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ.”


Nói một cách đơn giản, thập tự giá được làm từ gỗ. Do đó, mục đích của Ngài khi chết trên thập tự giá là để bẻ gãy mọi sự rủa sả trên đời sống của chúng ta để trong Ngài chúng ta có thể kinh nghiệm được sự tự do trọn vẹn và tận hưởng đời sống dư dật. Nói theo một nghĩa nào đó, không có ai là người xúi quẩy cả. Trong Đấng Christ, tất cả chúng ta đều được ban phước để trở thành một “nguồn nước của sự sống” mang lại phước lành cho nhiều người.


Để chữa lành những trái tim mồ côi

Ma-thi-ơ 27:46 – “Khoảng ba giờ chiều, Đức Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?”


Khi Chúa Giê-xu ở trên đất, Ngài không bao giờ có cảm giác của một đứa con không cha vì Ngài luôn được kết nối với Cha của Ngài. Khi A-đam đầu tiên bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, ông đúng nghĩa là một người “vô gia cư” vì ông đã ra khỏi sự hiện diện của Cha. Tuy nhiên, khi A-đam thứ hai rời khỏi thiên đàng, Ngài không “vô gia cư”. Ngài vẫn có nhà mặc dù đang phải xa nhà vì Ngài không bao giờ xa cách Cha mình.


Tuy nhiên, khi ở trên thập tự giá, Ngài đã bị Cha lìa bỏ và phải mang một trái tim mồ côi. Vâng, Đức Chúa Cha phải quay lưng lại với Ngài vì ngay lúc đó, tội lỗi của chúng ta đã được chất hết lên Ngài. Ngoài việc chết vì tội lỗi của chúng ta, Chúa Giê-xu cũng đã chết như một đứa con không cha để chúng ta có thể được phục hồi trở lại với quyền làm con. Nhờ Chúa Giê-xu, giờ đây chúng ta không còn mồ côi nữa, chúng ta đã được phục hồi trở lại để có thể bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Cha!


1 Giăng 3:1 – “Hãy xem Đức Chúa Cha đã ban cho chúng ta tình yêu thương lớn dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con cái của Đức Chúa Trời…” 


Nếu chúng ta ghé thăm một trại trẻ mồ côi, vì lòng trắc ẩn, chúng ta có thể quyên góp một khoản tiền lớn để đảm bảo rằng những đứa trẻ này có được điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi và đưa nó về nhà với mình, thì đó là sự kết ước. Chúng ta giờ đây sẽ trực tiếp tham gia và chịu trách nhiệm hướng dẫn, trưởng dưỡng và nuôi đứa bé nên người. Cũng vậy, tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta không chỉ giới hạn trong vận mệnh của chúng ta ở cõi đời đời, Đức Chúa Cha còn có trách nhiệm dìu dắt và hướng dẫn chúng ta thực hiện kế hoạch và mục đích của Ngài cho chúng ta trên đất này.


Tấm lòng của những người làm con – Về nhà

Tâm linh mồ côi không thể bị loại bỏ, chỉ có tâm linh được làm con thông qua Chúa Giê-xu Christ mới có thể thay thế nó. Cách duy nhất để thoát khỏi tâm linh mồ côi và được chữa lành là được đầy dẫy tình yêu của Cha Thiên Thượng.


Chúng ta phải có được cảm giác an toàn khi trở về nhà với Cha trên trời và biết rằng chúng ta đã được chấp nhận vì chúng ta ở trong Chúa Giê-xu. Sau đó, chúng ta có thể phát triển thành những con trai và con gái trưởng thành, những người hầu việc Chúa từ sự hiểu biết về ân điển của Ngài (là thứ mà chúng ta không xứng đáng có được nhưng Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không) – thay vì cố gắng để có được tình yêu của Cha thông qua thành tích.


Ê-phê-sô 2:5-6 – “Ngay khi chúng ta đã chết vì những vi phạm thì… trong Đấng Christ Giê-xu, Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi với Ngài ở các nơi trên trời…”


Ngày nay, trong Chúa Giê-xu, chúng ta được ngồi cùng với Ngài ở những nơi trên trời; chúng ta đang ở “Nhà”. Chúng ta có một gia đình; chúng ta đã được phục hồi trở lại trong vòng tay ấm áp của Cha Thiên Thượng yêu thương. Một ngôi nhà không chỉ là một cấu trúc vật lý mà còn là nơi đảm bảo rằng chúng ta sẽ tìm được sự hướng dẫn, tình yêu thương và sự chấp nhận vô điều kiện, hơi ấm của niềm vui, sự bình yên và cuộc sống dư dật.


Chúng ta được dựng nên để sống trong sự hiện diện của Cha chúng ta. Chúng ta không bao giờ có thể hài lòng hoặc cảm thấy an tâm cho đến khi chúng ta tìm được đường về với Cha mình. Qua Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đang mở toang tất cả các cánh cửa của trại trẻ mồ côi và kêu gọi con cái của Ngài trở về nhà. Bạn sẽ về nhà chứ?


Dịch: Eunice Tu

Nguồn: Adrian Chua


11 views0 comments

Comentarios


bottom of page