GlobalMissionsVision.com - Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự gián đoạn trong việc nhóm thờ phượng chung của các hội thánh do COVID-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc đọc Kinh Thánh của tín hữu.
Vào đầu năm 2020, kết quả khảo sát của Thánh Kinh Hội Hoa Kỳ và tổ chức nghiên cứu Barna Group cho thấy sự gắn kết với Kinh Thánh của người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã tăng lên 70,9 triệu người, mức cao nhất kể từ khi hai tổ chức này bắt đầu thực hiện khảo sát hàng năm kể từ năm 2011. Tuy nhiên, cuộc khảo sát tiếp theo vào tháng 6 lại cho thấy khủng hoảng COVID-19 đã làm giảm đáng kể sự gắn kết với Kinh Thánh của người Mỹ.
Báo cáo về “Vị trí của Kinh Thánh” (State of the Bible) cho thấy kể từ tuần đầu tiên của tháng 6, sự gắn kết với Kinh Thánh đã giảm từ 27,8% xuống chỉ còn 22,6%, tương đương với khoảng 13,1 triệu người Mỹ không còn tương tác với Kinh Thánh “theo cách mà Kinh Thánh giúp định hình nên sự lựa chọn và biến đổi mối quan hệ của họ với Chúa và người khác”.
Những thay đổi lớn nhất nằm trong các nhóm được phân loại là “Nhóm có đời sống đặt Kinh Thánh làm trọng tâm” (Bible Centered; những người nói rằng họ đặt các giá trị và nguyên tắc Kinh Thánh làm trung tâm trong những sự lựa chọn và mối quan hệ của mình) và “Nhóm có đời sống gắn kết với Kinh Thánh” (Bible Engaged; những người nói rằng các giá trị và nguyên tắc Kinh Thánh ảnh hưởng chủ yếu đến mối quan hệ của họ với Chúa và những người khác, cũng có ảnh hưởng đến những sự lựa chọn cuộc sống nhưng ở mức độ ít hơn).
Tỉ lệ của “Nhóm có đời sống đặt Kinh Thánh làm trọng tâm” đã giảm 3,8%, tương đương với 9,7 triệu người Mỹ, trong khi tỉ lệ của “Nhóm có đời sống gắn kết với Kinh Thánh” giảm 1,7%, tương đương với 4,3 triệu người.
Bản báo cáo cho biết rằng thông thường, sự gắn kết với Kinh Thánh ở phụ nữ vượt xa nam giới. Tuy nhiên, tỉ lệ nữ giới gắn kết với Kinh Thánh hoặc xem Kinh Thánh là trọng tâm trong tháng 1 đã giảm đáng kể so với tỉ lệ nam giới vào tháng 6.
Dựa theo mục đích của cuộc khảo sát, sự gắn kết với Kinh Thánh sẽ được đánh giá dựa vào ba yếu tố: mức độ thường xuyên (tần suất) tương tác với Kinh Thánh; tác động thuộc linh của Kinh Thánh đối với người dùng; tính trọng tâm của Kinh Thánh trong đời sống đạo đức của người dùng. Tần suất tương tác với Kinh Thánh cho thấy có sự suy giảm cao nhất đối với tất cả đối tượng sử dụng Kinh Thánh trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 6, kế đến là tác động thuộc linh. Tính trọng tâm về mặt đạo đức vẫn khá ổn định giữa hai nhóm trên.
Nghiên cứu cũng khám phá ra mối tương quan trực tiếp giữa việc gia tăng sự gắn kết Kinh Thánh với những nỗ lực thường được thực hiện bởi một hội thánh, bao gồm các chương trình cố vấn và học Kinh Thánh nhóm nhỏ. Do đó, việc các hội thánh không thể nhóm chung do COVID-19 có thể góp phần làm giảm tỉ lệ gắn kết với Kinh Thánh. Những người không tham gia vào các hoạt động dựa trên mối quan hệ trong hội thánh trung bình khoảng 66/100, dựa theo “Thang điểm Đánh giá sự Gắn kết với Kinh Thánh” (Scripture Engagement Scale) của Thánh Kinh Hội Hoa Kỳ. Việc tham gia vào một trong các hoạt động trên giúp tăng mức độ gắn kết với Kinh Thánh lên khoảng 89 điểm, trong khi việc tham gia vào ít nhất hai hoạt động môn đồ hóa trở lên giúp tăng chỉ số gắn kết với Kinh Thánh lên khoảng 94 điểm.
Theo lời của Tiến sĩ John Farquhar Plake, Giám đốc của Trí tuệ trong Mục vụ (Ministry Intelligence) của Thánh Kinh Hội Hoa Kỳ, thì “nghiên cứu này ủng hộ ý kiến cho rằng Hội thánh đóng vai trò quan trọng góp phần đem lại an sinh và sự gắn kết với Kinh Thánh của người dân. Để nâng cao sự gắn kết với Kinh Thánh, chúng ta phải tăng cường sự kết nối mối quan hệ với nhau thông qua Hội thánh. Cả cơn đại dịch và cuộc khảo sát đều chỉ ra rằng khi sự gắn kết trong mối quan hệ của hội thánh địa phương tăng, sự gắn kết với Kinh Thánh cũng tăng, nhưng khi nó đi xuống, sự gắn kết với Kinh Thánh giảm theo. Nói cách khác, rất có thể các mối quan hệ mà mọi người có được với nhau thông qua Hội thánh thực sự tạo ra sự khác biệt”.
Điều này có gì quan trọng? Cách đây vài năm, một chuyên gia về lãnh đạo là Simon Sinek đã lưu ý rằng mọi tổ chức và nhà lãnh đạo đều biết điều họ cần làm, một số biết cách để làm, nhưng rất ít người biết lý do của việc họ đang làm. Các nguyên tắc ấy cũng có vẻ đúng đối với sự gắn kết Kinh Thánh. Hầu hết Cơ Đốc nhân đều biết những gì họ nên làm: đọc Kinh Thánh. Một số người biết cách để làm, chẳng hạn như tham gia học Kinh Thánh theo phương pháp quy nạp. Nhưng dường như rất ít người biết lý do họ cần thường xuyên gắn kết với Kinh Thánh.
Có lẽ trước hết chúng ta nên giải thích ý nghĩa của “sự gắn kết với Kinh Thánh”. Tiến sĩ Fergus Macdonald cung cấp một định nghĩa tuyệt vời:
Sự gắn kết với Kinh Thánh là việc tương tác với Kinh Thánh theo cách tạo đủ cơ hội để lời Kinh Thánh có thể tự nói lên ý nghĩa của nó bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, qua đó cho phép người đọc hoặc người nghe Kinh Thánh có thể nghe thấy tiếng Đức Chúa Trời và nhận biết lời của Chúa Jêsus đang phán cá nhân với mình.
Sự gắn kết với của Kinh Thánh là kỷ luật thuộc linh quan trọng nhất và là nền tảng cho tất cả những thực hành khác cần cho sự hình thành tâm linh của một người. Chính nhờ sự gắn kết với Kinh Thánh mà chúng ta có thể nghe và gặp gỡ Đức Chúa Trời. Theo nhà thần học quá cố J.I. Packer, nếu không gắn kết với Kinh Thánh, chúng ta không thể hoàn thành mục đích cao nhất của cuộc đời mình là hiểu biết Đức Chúa Trời:
Chúng ta được tạo dựng để làm gì? Để biết Đức Chúa Trời. Điều chúng ta nên nhắm tới trong cuộc sống là gì? Sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Sự sống đời đời mà Chúa Jêsus ban cho chúng ta là gì? Là tri thức về Đức Chúa Trời – “Sự sống đi đời là nhận biết Cha là Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật…” (Giăng 17:3). Điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống mang lại nhiều niềm vui thỏa hơn bất cứ điều gì khác là gì? Sự hiểu biết Đức Chúa Trời.
Chúng ta được tạo ra để có mối quan hệ với Đức Chúa Trời và sự gắng kết với Kinh Thánh là một tiến trình của mối quan hệ. Như Chris Webb nói, Kinh Thánh là “nơi mà ranh giới giữa trời (thiên đàng) và đất đã bị phá vỡ . . . . Khi chúng ta mở Kinh Thánh, Lời Chúa không nói với chúng ta rằng: ‘Nghe này: Chúa đang ở đó!’, mà là tiếng thì thầm của Đức Thánh Linh qua từng dòng chữ: ‘Nhìn này: Ta đang ở đây!’”
Sự gắn kết của các mối quan hệ trong hội thánh chắc chắn rất quan trọng, cũng như việc Cơ Đốc nhân cùng nhau gắn kết với Kinh Thánh là điều thiết yếu. Thế nhưng, các lãnh đạo hội thánh cần đảm bảo tín hữu của họ hiểu được rằng sự gắn kết với Kinh Thánh không chỉ gói gọn trong những buổi nhóm.
Lý do cho sự gắn kết với Kinh Thánh là để chúng ta có thể nghe thấy tiếng Chúa phán với mình rằng: “Nhìn đây: Ta đang ở đây!” Và đó là một thông điệp mà chúng ta cần nghe ngay cả khi chúng ta không thể nhóm họp lại với nhau.
Tác giả: Joe Carter là một nhà biên tập của The Gospel Coalition (Liên minh Phúc Âm), tác giả của The Life and Faith Field Guide for Parents (tạm dịch: Chỉ Dẫn Cho Đời Sống Và Đức Tin Dành Cho Phụ Huynh), một trong các biên tập viên của bản Kinh Thánh NIV Lifehacks Bible, đồng tác giả của How to Argue Like Jesus: Learning Persuasion from History’s Greatest Communicator (tạm dịch: Biện Luận Như Chúa Jêsus: Học Cách Thuyết Phục Từ Nhà Truyền Thông Vĩ Đại Nhất Trong Lịch Sử). Ông cũng là mục sư điều hành khu đại học thuộc Giáo hội McLean Bible Church Arlington ở Arlington, Virginia. Bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.
Tác giả: Joe Carter; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
留言